PHẢI LÀM GÌ ĐỂ SẴN SÀNG GIAO TIẾP (LIÊN VĂN HÓA)? (P1)
By Kieu Khanh
Được viết bởi Kiều Khanh
Đã bao giờ bạn ngại ngùng khi giao tiếp với người lạ trên phố hoặc cảm thấy tự ti khi nói chuyện với bạn quốc tế? Việc sử dụng ngôn ngữ thứ hai có phải là một rào cản khiến bạn khó kết nối với người dân và văn hóa của một đất nước khác?
Bài viết này sẽ đưa bạn cái nhìn tổng quan về sự sẵn sàng giao tiếp (willingness-to-communicate) và sự sẵn sàng giao tiếp liên văn hóa (intercultural-willingness-to-communicate) của mỗi cá nhân đến cuộc sống xung quanh.

Discussion and communication in the office, teamwork, brainstorming. Vector illustration.
Thử một trò chơi nhỏ: Bạn hãy đặt những ngón tay của bạn lên cổ họng và nói “abracadabra”. Bạn cảm thấy có sự rung động nhẹ trong thanh quản của bạn không? Nhiều nhà nghiên cứu [1] cho rằng, bộ phận thanh quản này là nơi con người sử dụng để giao tiếp ngôn ngữ và cho đến năm 2019, có khoảng 6,500 nguồn ngôn ngữ khác nhau được sử dụng trên toàn thế giới [2].
Khả năng giao tiếp đã và đang là nền tảng của mối quan hệ tương tác giữa người với người. Nó không chỉ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin và kiến thức mà cũng giúp con người xây dựng mối quan hệ với những người khác [3].
Hơn nữa, cùng với sự toàn cầu hóa về kinh tế, thương mại và xã hội bắt đầu nổ ra mạnh mẽ từ cuối thế kỷ thứ XIX [4], Việt Nam đang dần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao và bồi dưỡng tài nguyên con người để phát triển nền kinh tế và giáo dục đất nước.
Do vậy, hiểu biết về khả năng sẵn sàng giao tiếp và sẵn sàng giao tiếp liên văn hóa (willingness-to-communicate vs. intercultural-willingness-to-communicate) có thể giúp mỗi cá nhân nâng cao kỹ năng giao tiếp và khả năng hòa nhập với môi trường quốc tế, nâng cao năng lực liên văn hóa. Từ đó, mỗi cá nhân có thể sử dụng ngoại ngữ như một thế mạnh để hiện thực hóa ước mơ vươn ra thế giới.
SẴN SÀNG GIAO TIẾP VÀ SẴN SÀNG GIAO TIẾP LIÊN VĂN HÓA LÀ GÌ?

Theo McCroskey [5], trò chuyện nắm giữ vai trò chính trong giao tiếp, bởi nếu không có sự chia sẻ trong giao tiếp xã hội, ông thấy mối quan hệ giữa người với người không có lý do gì để tồn tại. Đồng thời, trò chuyện trong giao tiếp và sự phát triển xã hội có thể khác biệt ở mỗi cá nhân, tùy thuộc vào mức độ họ chủ động giao tiếp ít hay nhiều, cũng như ở một số ngữ cảnh và đối tượng nhất định.
SẴN SÀNG GIAO TIẾP (WILLING-TO-COMMUNICATE/WTC)
Trong phạm vi ngôn ngữ mẹ đẻ, định nghĩa sẵn sàng giao tiếp là khả năng tham gia giao tiếp khi được quyền lựa chọn [6]. Còn trong phạm vi ngôn ngữ thứ hai, định nghĩa của WTC là “sự sẵn sàng tham gia giao tiếp tại một thời điểm cụ thể với một hay nhiều người cụ thể bằng ngôn ngữ thứ hai”. Hơn nữa, WTC bằng ngôn ngữ thứ hai có liên quan đến tình huống [6] (P. 546). Bên cạnh đó, sẵn sàng giao tiếp là xu hướng cá nhân chủ động trò chuyện với người khác, khi cá nhân ấy có thể lựa chọn nên bắt chuyện hay không [5].
Bên cạnh đó, Kang (2005) [7] kết luận WTC bằng ngôn ngữ thứ hai là xu hướng chủ động tích cực tham gia của cá nhân vào hoạt động giao tiếp trong tình huống cụ thể. Tính chủ động thay đổi tùy vào người tham gia giao tiếp, ngữ cảnh giao tiếp và các yếu tố tình huống khác. (P. 291)
SẴN SÀNG GIAO TIẾP LIÊN VĂN HÓA (INTERCULTURAL-WILLING-TO-COMMUNICATE/IWTC)
Sẵn sàng giao tiếp liên văn hóa [8] là thiên hướng của cá nhân đến sự bắt đầu giao tiếp trong môi trường liên văn hóa. Ngoài ra, WTC đề cập đến sự chủ động giao tiếp với bạn bè, người quen biết và người lạ ở các tình huống (giữa hai người, trong nhóm, buổi gặp gỡ, và công cộng), trong khi IWTC hướng đến sự sẵn sàng giao tiếp của cá nhân trong ngữ cảnh giao tiếp với những người đến từ chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa khác biệt. Theo kết quả nghiên cứu của Kassing, người có sự sẵn sàng giao tiếp liên văn hóa cao hơn có xu hướng có bạn bè ngoại quốc nhiều hơn là những người có sự chủ động giao tiếp liên văn hóa thấp.
Thêm vào đó, IWTC và WTC có mối tương quan lẫn nhau, bởi người có sự sẵn sàng giao tiếp thấp có thể có sự sẵn sàng giao tiếp liên văn hóa thấp. Tuy nhiên, người có sẵn sàng giao tiếp cao có thể hoặc chưa chắc sẽ sẵn sàng giao tiếp liên văn hóa cao. IWTC cũng được đề cập như một dấu hiệu tích cực đầu tiên để gắn kết sự tương tác trao đổi liên văn hóa (Justen, 2009). Đồng thời, Jackson (2014) [9] giải thích thêm, những người với sự chủ động giao tiếp cao sẽ không đợi đối phương bắt chuyện, họ có xu hướng tiếp cận đối phương để mở lời trước, tương tác trao đổi liên văn hóa và thể hiện sự sẵn lòng giao tiếp nhiều với đối phương. Họ cũng nỗ lực chia sẻ cảm nhận và ý tưởng với những người đến từ nền văn hóa khác biệt.
Trở lại phần đầu bài, bạn có băn khoăn cụm từ “abracadabra” nghĩa là gì? Theo tiếng Do Thái, “abracadabra” có thể được dịch là “I will create as I speak” (Tôi sẽ tạo ra khi tôi nói), ngụ ý hành động giao tiếp sẽ tạo ra những hiện thực mới một cách màu nhiệm [10]. Do vậy, sự sẵn sàng giao tiếp và sẵn sàng giao tiếp liên văn hóa sẽ giúp bạn nhìn nhận và quan sát cuộc sống này với nhiều góc nhìn về nền văn hóa, xã hội, lịch sử khác nhau trên thế giới.
Bài viết tiếp theo sẽ đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn sàng giao tiếp và giao tiếp liên văn hóa cũng như làm sao để cải thiện sự sẵn sàng giao tiếp của mỗi cá nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Rachel Gutman (2019). A ‘Mic Drop’ on a Theory of Language Evolution. Retrieved from https://www.theatlantic.com/science/archive/2019/12/when-did-ancient-humans-start-speak/603484/. Accessed on 13/11/2020
[2] Anna Klappenbach (2019). Most spoken languages in the world 2020. Retrieved from https://blog.busuu.com/most-spoken-languages-in-the-world/. Accessed on 13/11/2020.
[3] Route Communications (2017). Why Is Communication Important To Human Life? Retrieved from http://routecommunication.com/why-is-communication-important-to-human-life.html. Accessed on 13/11/2020.
[4] Phạm Văn Đức (2016). Toàn cầu hóa và sự tác động của nó đối với Việt Nam hiện nay. Retrieved from
http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Chinh-tri-Xa-hoi/Toan-cau-hoa-va-su-tac-dong-cua-no-doi-voi-Viet-Nam-hien-nay-277.html. Nguồn: Tạp chí Triết học, số 3(178), tháng 3 – 2006. Accessed on 10/11/2020
[5] McCroskey, James C.; Baer, J. Elaine (1985). Willingness to communicate: The construct and its measurement. Annual Meeting of the Speech Communication Association (71st, Denver, CO, November 7-10, 1985). https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED265604.pdf
[6] Peter D. MacIntyre, Richard Clement, Zoltan Dornyei, Kimberly A. Noels (1998). Conceptualizing Willingness to Communicate in a L2: A Situational Model of L2 Confidence and Affiliation. Modern Language Journal 82(4):545-562. DOI: 10.1111/j.1540-4781.1998.tb05543.x
[7] Kang, S.-J. (2005). Dynamic emergence of situational willingness to communicate in a second language. System, 33(2), 277–292. doi:10.1016/j.system.2004.10.004
[8] Jeffrey W. Kassing (1997). Development of the Intercultural Willingness to Communicate Scale. Communication Research Reports/Fall 1997, Volume 14, Number 4, Pages 399-407.
https://www.academia.edu/23829774/Development_of_the_Intercultural_Willingness_to_Communicate_Scale
[9] Pragash, M. 1 Sultana, M. A.2 Khor, K. K. (2018). Ethnocentrism and Intercultural Willingness to Communicate: A Study of Malaysian Private University. Volume: 3 Issues: 12 [December, 2018] pp.16-23] International Journal of Law, Government and Communication eISSN: 0128-1763 Journal website: www.ijgc.com
[10] Rabbi Julian Sinclair. (2018). Abracadabra. Retrieved from
https://www.thejc.com/judaism/jewish-words/abracadabra-1.466709. Accessed on 13/11/2020
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!