By Kieu Khanh
Kết thúc một tuần làm việc, bạn đã bao giờ tự hỏi: Trung bình tuần vừa qua, bạn đã dành bao nhiêu giờ đồng hồ để lên mạng đọc tin tức, nghe nhạc hoặc truy cập vào các trang mạng xã hội? Có thể là 1 tiếng, 2 tiếng hay 5 tiếng?
Theo bài báo cáo Global Digital Report 2019 bởi We are Social và Hootsuite [1], trung bình mỗi người Việt Nam dành 6 tiếng 42 phút để truy cập Internet thông qua tất cả các thiết bị điện tử, người Philippines dành 10 tiếng 02 phút (cao nhất trên thế giới) còn người Nhật sử dụng 3 tiếng 45 phút. Thêm vào đó, trung bình thời gian người Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 2 tiếng 32 phút, trong khi người Phi-líp-pin dùng 4 tiếng 12 phút, người Nhật chỉ dành 36 phút và trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút.
Với lượng thời gian truy cập mạng chiếm khoảng ¼ ngày, chúng ta đang tiếp cận nguồn tài nguyên tri thức truyền thông đa dạng và phức tạp. Vậy làm sao chúng ta có thể xử lý những thông tin này và nhìn nhận những ảnh hưởng của mạng xã hội đến cuộc sống thường ngày?
Từ vấn đề này, kênh Youtube Crash Course về giáo dục [2] đã đưa “media literacy” là một trong những kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0, bao gồm các kỹ năng tiếp cận, đánh giá, phân tích và tạo ra thông điệp trong truyền thông xã hội. Bài viết này sẽ mang đến những kiến thức hữu ích liên quan đến media literacy hay còn gọi là thông hiểu truyền thông.
Media literacy là gì?
Theo định nghĩa của từ điển Cambridge, “literacy” là khả năng biết đọc và biết viết, rộng hơn còn có nghĩa là trình độ học vấn về một lĩnh vực nào đó. Nhưng nếu chỉ “biết đọc” khi tiếp xúc với truyền thông xã hội thì chưa đủ bởi chúng bao hàm rất nhiều hình ảnh, ngôn từ, âm thanh với ngữ pháp đặc biệt, cùng nhiều tầng ý nghĩa về thông điệp và tư tưởng.
Bên cạnh đó, “media” là số nhiều của “medium” hay truyền thông đa phương tiện. “Medium” là phương tiện truyền tải thông điệp, một “medium” có thể là tờ báo, tin nhắn, cuộc hội thoại, âm nhạc, tivi, radio, v.v. Trong khóa học Media Literacy được thực hiện bởi Crash Course, Jay Smooth đã đưa ra các ví dụ về “media” như sách, phim, tranh vẽ, bài hát, chương trình truyền hình, thơ ca, trò chơi điện tử, báo chí, podcast, video âm nhạc, báo in, diễn đàn trên mạng, phiếu giảm giá, thư cuối tuần gửi qua email, những dòng tweets, hóa đơn, biển báo giao thông, các tác phẩm nghệ thuật đường phố thể hiện thông điệp tốt hoặc xấu, bài đăng trên Snapchat, băng-rôn, áp-phích cổ động, những từ ngữ được viết trên tờ lịch mà dì của bạn mua tặng, thông báo về tin tức mới, bức ảnh hồi nhỏ mà bạn đăng trên mạng, hay đĩa blu-ray sao lưu bộ phim tuyệt vời xếp thứ hai mọi thời đại – Titanic, tất cả đều được gọi là “media”.
Hơn nữa, “the media” (phương tiện truyền thông đại chúng – mass communication) cũng bao hàm những kênh báo chí, truyền hình phân phối rộng rãi khắp đất nước, các trang web, đài phát thanh, hãng phim, và những phương tiện phân phối, cung cấp thông tin như kênh truyền hình CNN, tờ báo The New York Times, Đài phát thanh công cộng quốc gia (NPR), kênh Disney hoặc nền tảng chia sẻ trực tuyến Youtube.
Do vậy, từ những ví dụ nêu trên, chúng ta đang tiếp cận với rất nhiều hình thức truyền thông xã hội và thật khó có thể kiểm soát hay theo dõi những thông tin mà chúng ta tiếp nhận được mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày.
Để hiểu rõ hơn về media literacy, theo định nghĩa của National Association of Media Literacy Educators [3], thông hiểu truyền thông (media literacy) là “khả năng truy cập, phân tích, đánh giá, tạo ra và sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông”.
“Media literacy is the ability to access, analyze, evaluate, create and act using all forms of communication.”
Thông qua khái niệm này, khi tiếp cận với một nguồn thông tin mới, mỗi cá nhân cần đặt ra 5 câu hỏi quan trọng, bao gồm:
- Truy cập: Bạn đang tiêu thụ loại nội dung nào và làm sao để bạn tiếp cận được nó?
- Phân tích: Bạn có hiểu rõ thông điệp của nó không?
- Đánh giá: Bạn có nhận thức được rằng mỗi thông điệp được tạo ra bởi một ai đó và chúng dựa trên mục đích và quan điểm của họ?
- Kiến tạo: Khi tạo ra một hình thức truyền thông, giống như một bài đăng trên trang cá nhân hay trên Instagram, bạn có trách nhiệm gì với những người nhìn thấy nó?
- Phản hồi: Bạn sẽ làm gì với những thông tin mới nhận được?
Với sự tràn lan của thông tin đại chúng một cách khó kiểm soát, chúng ta cũng cần chất vấn: Tôi có thể tin tưởng nguồn thông tin nào? (“What information can I truly trust?”)
Marshall McLuhan, một triết gia người Canada, từng nói: “Cách chúng ta giao tiếp quan trọng hơn những điều chúng ta giao tiếp.” (“The way we communicate is more important than what we communicate”). Ông ngụ ý rằng, bất kỳ loại hình truyền thông nào đều có thể thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, tư duy và điều ấy cũng sẽ thay đổi mối quan hệ của chúng ta với thế giới bên ngoài.
Và dù bạn có tự tin vào khả năng sử dụng công nghệ và mạng xã hội cũng như hiểu biết về quyền năng quản lý của các tập đoàn công nghệ như thế nào, học media literacy sẽ giúp bạn nhìn nhận mọi thứ sâu sắc và tinh tường hơn, như đeo thêm một cặp kính mới. Và rồi, chỉ khi đã thử đeo nó, bạn sẽ không bao giờ muốn tháo nó ra khi tiếp cận với nguồn thông tin truyền thông xã hội.
Câu chuyện về báo lá cải (Yellow Journalism/Tabloid Journalism)
Theo Giáo sư Frank Esser, Mỹ và Anh có nền công nghiệp báo chí lá cải lâu đời nhất lịch sử [4]. Đặc biệt, “báo lá cải” bắt nguồn từ “yellow journalism” ở Mỹ vào những năm 1890 với mục đích không chỉ cung cấp thông tin mà còn tăng lợi nhuận cho tòa báo.
Ngoài ra, thuật ngữ “yellow journalism” cũng ám chỉ loại báo tập trung đến các xu hướng giật gân, thổi phồng thông tin hơn là cung cấp sự thật. Thuật ngữ này xuất hiện từ cuộc đua về doanh thu trên thị trường báo chí thành phố New York giữa hai tòa báo lớn – tờ New York World – Joseph Pulitzer và tờ New York Journal – William Randolph Hearst. Khi tờ New York World nổi tiếng với series truyện tranh “Ngõ của Hogan” (Hogan’s Alley) cùng nhân vật chính là một cậu bé mặc đồ màu vàng (the Yellow Kid) được vẽ bởi họa sỹ Outcault, chủ bút Pulitzer đã nhận được số lượng phát hành tăng vọt cho tờ báo của ông. Năm 1896, nhằm tăng doanh thu cho tờ New York Journal, Hearst đã cố gắng lôi kéo và mua chuộc Outcault về tờ báo của mình. Nhưng chủ bút Pulitzer không hề bỏ cuộc, ông đã thuê một họa sỹ khác và tiếp tục vẽ nhân vật truyện tranh cho tờ New York World. Nhờ có nhân vật “the Yellow Kid” nổi tiếng, lợi nhuận của serie truyện tranh này đã khởi nguồn cho thuật ngữ “yellow journalism” [5] [6].
Đáng chú ý, trong thời hoàng kim vào cuối thế kỷ 19, báo lá cải cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha ở Cuba và Philippines, dẫn đến cuộc tranh giành lãnh thổ nước ngoài và sau cùng, Mỹ chiếm được một phần lãnh thổ thuộc địa nước ngoài từ Tây Ban Nha [5].
Trong khi ở Anh, báo lá cải (tabloid journalism) ra mắt lần đầu tiên khi Lord Northcliffe xuất bản tờ Daily Mirror năm 1903 và biến nó trở thành tờ báo lá cải đầu tiên ở quốc gia này [4]. Sau đó, Northcliffe giới thiệu ý tưởng báo lá cải đến Joseph Medill Patterson, đối tác của tờ báo Chicago Tribune và bắt đầu tờ Illustrated Daily News ở New York vào năm 1919 như một tờ báo lá cải đầu tiên được công nhận ở Mỹ với mỗi tờ báo trị giá chỉ 2 xu [7].
Bên cạnh đó, người Anh quốc cũng phân biệt rõ ràng báo lá cải với báo chính thống [8]. Họ coi những tờ báo lá cải cung cấp các tin giật gân về cướp-giết-hiếp, soi mói các nhân vật nổi tiếng, bàn chuyện phiếm, xem bói và tin tức lặt vặt.
Theo nhà báo Phạm Đoan Trang (2014) [9], báo lá cải được coi là loại báo đưa thông tin với mục đích tối đa hóa lợi nhuận, không đại diện cho quyền lợi của xã hội giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền-nhà nước cũng như không tố cáo, phát hiện các hiện tượng sai trái, tiêu cực trong xã hội, mặc dù vẫn dựa theo nguyên tắc chính xác và công bằng của ngành báo chí. Bên cạnh đó, báo chí giải trí (entertainment media) cũng là loại báo nhằm tối đa hóa lợi nhuận, giúp người tiêu dùng thư giãn, giải trí, không coi trọng tính chính xác, sự công bằng, hay giám sát chính quyền. Chẳng hạn, báo lá cải gồm Ngôi Sao, 2Sao, Tin Tức Online còn báo giải trí có Kênh 14, Haivl, v.v.
Hơn nữa, báo chí trong Luật Báo chí Việt Nam (2016) được định nghĩa “là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.” [10]. Nhưng báo chí không chỉ có mục đích cung cấp, phân phối, truyền đạt thông tin mà còn để kiếm tiền, đem lại lợi nhuận cho bất kỳ tổ chức nào phân phối, thực hiện nội dung ấy. [11]
Ngoài ra, chúng ta có xu hướng tin vào những thứ mà chúng ta muốn tin – hay còn gọi là thiên kiến xác nhận (confirmation bias). Ví dụ, bạn Nam có niềm tin rằng những người thuận tay trái sáng tạo hơn những người thuận tay phải. Khi bạn ấy gặp một người vừa thuận tay trái và có thiên hướng nghệ sĩ, bạn ấy sẽ củng cố thêm bằng chứng ủng hộ niềm tin đã có sẵn của bạn về người thuận tay trái sáng tạo, và có thể sẽ bỏ qua hoặc phủ nhận những bằng chứng không liên quan đến niềm tin này [12], chẳng hạn như bằng chứng về người thuận tay phải cũng sáng tạo như người thuận tay trái. Tận dụng hiệu ứng tâm lý này, các công ty quản lý phương tiện truyền thông tạo dụng thông tin bạn tiếp nhận hay nhìn thấy thông qua phân tích hành vi con người, tâm lý học, nhân khẩu học như độ tuổi, giới tính, thói quen, sở thích, đề tài bạn thường quan tâm, v.v. và cả thuật toán máy tính để đoán trước các hành vi tiêu dùng của bạn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta thu thập, tiếp cận thông tin và cũng ảnh hưởng cách chúng ta hiểu, giải thích và nhớ lại những thông tin đã tiếp cận.
Cuối cùng, tác giả muốn trích dẫn một câu nói trên mạng xã hội, “nếu bạn không phải trả tiền cho sản phẩm của họ, bạn chính là món hàng của họ” [13]. Và khi tiếp cận với một nguồn thông tin mới, thay vì “Follow your guts!” (Lắng nghe con tim) hay còn được hiểu theo nghĩa “Follow your perceptions of bias and textual analysis skills” (Lắng nghe cảm nhận về thiên kiến, định kiến và những kỹ năng phân tích văn bản của bạn), hãy suy nghĩ cẩn trọng và có chính kiến trước những nguồn thông tin đa dạng trên mạng truyền thông.
Và bạn có thể thực hành ngay sau khi đọc xong câu trích dẫn vừa rồi, bạn có chắc chúng ta là món hàng của tất cả phương tiện truyền thông xã hội nếu chúng ta không trả tiền cho họ? Và điều ấy có thật sự đúng không?
Bài viết phần 2 về media literacy sẽ cung cấp những “cái bẫy” mà truyền thông xã hội ảnh hưởng đến chúng ta.
Tác giả: Kiều Khanh
Tham khảo:
[1] Global Digital Report 2019 https://wearesocial.com/global-digital-report-2019 (Slide 40, 77). Accessed 01/12/2020
[2] Crash Course: Media Literacy
https://www.youtube.com/watch?v=sPwJ0obJya0&list=PL8dPuuaLjXtM6jSpzb5gMNsx9kdmqBfmY Accessed 29/11/2020
[3] National Association of Media Literacy Educators. https://namle.net/resources/media-literacy-defined/ Accessed on 03/12/2020
[4] Esser, Frank (1999). Tabloidization of News. A Comparative Analysis of Anglo-American and German Press Journalism. European Journal of Communication, 14:3, 291-324. [294]
[5] U.S Diplomacy and Yellow Journalism, 1895-1898. Retrieved from https://history.state.gov/milestones/1866-1898/yellow-journalism. Accessed 03/12/2020.
[6] Yellow Journalism. Retrieved from https://willingo.com/yellow-journalism/ Accessed 01/12/2020
[7] How NY Daily News found success as first U.S tabloid in 1919. 2019. Retrieved from https://www.nydailynews.com/new-york/ny-daily-news-founded-1919-20190623-nyrfketymfc5niilj43uef4sua-story.html. Accessed 03/12/2020.
[8] Nguyễn Hùng. 2012. Thế nào là báo “lá cải”? Báo Lao Động. https://laodong.vn/archived/the-nao-la-bao-la-cai-676522.ldo. Accessed 02/12/2020
AGoose. 2019. Những điều mình học được từ khóa học Media Literacy https://spiderum.com/bai-dang/Nhung-Dieu-Minh-Hoc-Duoc-Tu-Khoa-Hoc-Media-Literacy-ekf Accessed 30/11/2020
[9] Phạm Đoan Trang. 2014. Căn bản về Truyền thông và Báo chí.
[10] Quốc hội Việt Nam. 2016. Luật báo chí Việt Nam 2016. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Luat-Bao-chi-2016-280645.aspx
[11] Media Literacy – Chúng ta có thể bị truyền thông dắt mũi như thế nào
https://lazycattt.wordpress.com/2019/10/03/media-literacy-chung-ta-co-the-bi-truyen-thong-dat-mui-nhu-the-nao/ Accessed 30/11/2020
[12] Kendra Cherry. (2020). How confirmation bias works. Updated 19/02/2020. Accessed 03/12/2020
https://www.verywellmind.com/what-is-a-confirmation-bias-2795024
[13] MetaFilter, community weblog, blue_beetle’s profile https://www.metafilter.com/user.mefi/15556